Dù đã ly hôn nhưng ông luôn xem mình là một người đàn ông khỏe mạnh và thành công.
Sau 30 năm phát triển kinh tế – xã hội, quan niệm về tình yêu của người cao tuổi Trung Quốc có nhiều thay đổi. Ngày càng có nhiều người già cô đơn cố gắng tìm tình yêu cho mình ở tuổi xế chiều.
Truyền thông Trung Quốc gọi hiện tượng này “tình yêu tuổi xế chiều”. Người cao tuổi giờ thường xuyên xuất hiện trên các chương trình hẹn hò “Peach Blossoms Bloom” (Chuyện đào hoa), “Exciting Old Friends” (Những người bạn già thú vị), và “Holding Hands” (Những bàn tay đan). Phòng nói chuyện trực tuyến dành cho người cao tuổi cũng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, không có nơi nào ở Trung Quốc thu hút người cao tuổi nhiều như công viên.
Công viên Changpuhe và công viên Thiên Đàn là hai địa điểm yêu thích của người già ở Bắc Kinh. Trong khi đó, công viên Hongyadong (Hồng Nhai Động) được xem là “chốn hẹn hò” yêu thích ở thành phố Trùng Khánh. Tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, người già thường tập trung ở công viên Cách mạng vào mỗi thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần.
Bei Wu, giám đốc nghiên cứu về sức khỏe và lão hóa toàn cầu ở Đại học New York, người từng nghiên cứu về người Trung Quốc trong 30 năm qua cho biết, những đồng nghiệp của ông ở Mỹ khi đến Trung Quốc đã vô cùng bất ngờ khi có nhiều người già ra ngoài công viên để giao lưu. “Ở công viên là môi trường tốt nhất để mọi người dễ dàng gặp nhau, thậm chí có thể hẹn hò thành công”, ông chia sẻ.
Điều tra dân số mới đây của Trung Quốc cho thấy những người trên 60 tuổi hiện chiếm 18,7% dân số. Nhiều người trong số họ mong muốn tái hôn và tìm kiếm bạn đời. Theo công ty truyền thông AgeClub, ước tính có ít nhất 50 triệu người như thế tại Trung Quốc đại lục. Các kênh mai mối cho người cao tuổi theo đó xuất hiện ngày càng nhiều. Một số đài truyền hình cũng tổ chức nhiều chương trình ghép cặp cho các cụ ông, cụ bà.
Theo bà Ye, chủ một công ty mai mối cho người trung niên và cao tuổi tại Quảng Châu, nhu cầu tìm bạn đời của nhóm người này rất cao, song không dễ để tìm thấy nửa kia. Khác với thế hệ trẻ, họ muốn người yêu phải có địa vị xã hội. Họ cân nhắc nhiều thứ, từ tài chính, an sinh xã hội, bảo hiểm, trình độ học vấn cho đến con cái. Dù nhìn nhận của xã hội về vấn đề này đã thoáng hơn, song tâm lý phong kiến vẫn còn tồn tại. Sợ bị điều tiếng, nhiều cụ ông, cụ bà ở độ tuổi 70, 80 đã bỏ lỡ hạnh phúc.
Bà Ye cho biết, trước đây, nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ phản đối gay gắt việc bố mẹ mình đi bước nữa chủ yếu là do những rắc rối xoay quanh vấn đề phân chia tài sản. Tuy nhiên, ngày nay, thế hệ trẻ ngày càng độc lập hơn về tài chính và tôn trọng nhu cầu tình cảm của cha mẹ. Họ không sống chung nên cũng mong muốn cha mẹ mình có người bầu bạn, chăm sóc.
Guan Yongnian, 82 tuổi, đã ly hôn, xem mình là một “món hời” khi là một người đàn ông khỏe mạnh và thành công. Ông là nhà thư pháp, nhà văn và giáo viên thái cực quyền (môn võ dưỡng sinh phổ biến ở Trung Quốc). Guan cho biết bạn bè từng giới mai mối nhiều người phụ nữ cho ông trong 30 năm qua. Ông kết hôn khi ở độ tuổi 20, có hai con gái ngoài 50 tuổi và con trai cả gần 60 tuổi.
Guan có một danh sách tiêu chí đối với vợ tương lai: tuổi khoảng 40, sáng sủa, thông minh, có khả năng và biết điều. Ngoài ra, có thể mang đến cảm giác nhẹ nhàng và hạnh phúc là một điểm cộng. Tuy nhiên, rất ít người có thể đáp ứng yêu cầu của ông. “Hiện nay, nhiều phụ nữ trông lôi thôi, không biết cách ăn mặc, thiếu tinh tế và lịch sự”, Guan cho biết.
Ông Guan đã quan sát suốt một tiếng đồng hồ và chưa có ý định tiến tới làm quen với ai. “Tôi có một vấn đề: Nếu bạn gọi tôi, tôi sẽ không gọi lại. Tôi là người khá vô lý. Tôi thích người ấy phải theo đuổi tôi”, Guan nói.
Một phụ nữ mặc chiếc áo khoác dài màu vàng, môi tô son hồng, tò mò nhìn về phía Guan khi ông trả lời phỏng vấn. “Bà bao nhiêu tuổi? 50 hay 60?”, Guan hỏi. “60 tuổi”, người phụ nữ trả lời. “Thấy chưa? Tôi đoán đúng mà”, ông nói.
Theo giáo sư Zhou Xiaopu thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, hầu hết những người trung niên và cao tuổi đều đã từng kết hôn nên họ có nhu cầu rõ ràng về một gia đình mới và mạnh dạn hơn trong việc thể hiện bản thân.
Ở công viên Changpuhe vào một ngày thứ 3, một cụ ông ngồi cạnh một cụ bà mặc áo khoác màu tím. Một lúc sau, ông hỏi: ‘Bà bao nhiêu tuổi?’
’72’ – cụ bà đáp bằng giọng nhẹ nhàng. Vài phút sau, họ bắt đầu trò chuyện.
Nhiều người nói rằng có một số tiêu chí ngầm trong việc tìm bạn đời của những người già. Ai có lương hưu và bảo hiểm y tế thì có thể ‘cao giá’ hơn. Bởi vì, ở đất nước này, chỉ cần chẳng may mắc bệnh ung thư là bạn có thể lâm vào cảnh cùng kiệt.
Ngoài ra, những người có vợ/chồng chết thì được đánh giá cao hơn những người ly dị.
Có một tờ rơi dán trên tảng đá dưới tán cây viết: ‘Tìm bạn đời’. Người viết giới thiệu về bản thân một cách ngắn gọn: ‘Đàn ông. Sinh năm 1949. Đã ly hôn. Không ràng buộc trách nhiệm’.
Người viết tên Li đưa ra một danh sách các tiêu chí ông cần ở một người vợ: Cao trên 1,5m, nặng từ 59-68kg, tuổi từ 50-60 và phải có làn da đẹp, không có nốt ruồi đen.
Đáp lại, ông Li hứa hẹn sẽ để lại căn hộ rộng hơn 100m2 cho bất cứ người phụ nữ nào ‘sẵn sàng sống cùng ông tới cuối đời’.
Tờ rơi của một cụ ông khác cũng cam kết sẽ đưa người kia đi du lịch, mua nhà ở bờ biển Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Có thể nói, dân số già hóa là nguyên nhân đằng sau của hiện tượng “tình yêu tuổi xế chiều”. Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, ở đất nước tỷ dân này hiện có 48 triệu người góa vợ hoặc góa chồng. Nghiên cứu cũng cho biết thêm, dự kiến có 118,4 triệu người cô đơn vào năm 2050. Ngoài ra, ở Bắc Kinh có khoảng 1/3 vụ ly hôn đến từ những cặp đôi ở độ tuổi 60 – 70.
Dân số người già độc thân ngày càng tăng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Theo trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tỷ lệ nhiễm HIV ở người già Trung Quốc đang tăng cao vì nhiều người không thực hành tình dục an toàn. Các trường hợp nhiễm HIV ở những người đàn ông Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã tăng gần 3 lần kể từ năm 2012.
Vào năm ngoái, Trung Quốc đã công bố các biện pháp và chính sách riêng cho người cao tuổi để tăng cường giáo dục phòng chống HIV. Trước tình hình này, nhiều người tin rằng sự thiếu hiểu biết về an toàn tình dục ở người già là điều dễ hiểu. Khi những người lớn tuổi Trung Quốc còn trẻ, họ không được nói về tình dục một cách thoải mái. Đa số những người lớn tuổi thời đó đều gặp vợ hoặc chồng thông qua bạn bè hoặc người mai mối, họ gần như chưa trải qua một cuộc hẹn hò đúng nghĩa như bây giờ.
Theo Bách Hợp (Giadinh.suckhoedoisong.vn)