74 tuổi, tôi có 3 người con trai đều là tiến sĩ, hàng tháng chu cấp cho bố đầy đủ. Nhưng đến khi ốm nặng, tôi nhận ra một bài học xương máu về tình phụ tử.
Tôi tên là Lý Hải Đào, 74 tuổi, sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tôi có 3 con trai lần lượt tên là Lý Cường, Lý Cương, Lý Dũng, đều là tiến sĩ. Mỗi tháng, mỗi con chu cấp cho tôi 1.000 tệ (khoảng 3,4 triệu đồng) để trang trải sinh hoạt, trang Toutiao đăng tải.
Lúc đầu tôi nghĩ các con thật hiếu thảo. Tôi nhận tiền và cảm thấy rất vui.
“Bố, tiền sinh hoạt tháng này con gửi cho bố rồi ạ. Bố kiểm tra xem có chưa”, mỗi tháng, con trai lớn Lý Cường đều sẽ gửi tin nhắn đó cho tôi. “Tiền đã về rồi con ạ. Con đã làm việc vất vả. Con có bận rộn quá không?”, tôi luôn trả lời và hỏi han con như vậy.
“Con đang bận dự án mới, có lẽ cuối tháng này con không có thời gian về thăm bố”, Lý Cường nhắn.
Tôi lại mỉm cười: “Con ngoan, phải cố gắng nhé. Bố có thể tự làm được mọi việc nên con yên tâm”.
Con trai thứ hai của tôi, Lý Cương, hiện sống với người vợ ngoại quốc tại Anh. Hàng tháng con cũng gửi tiền về cho tôi đúng hạn. Tôi thường khoe với hàng xóm mình có con trai ở nước ngoài rất hiếu thảo, tháng nào cũng biếu tiền bố.
Người con trai thứ ba tên Lý Dũng sống một mình ở Bắc Kinh. Tuy khoảng cách không xa nhưng hàng ngày con phải làm việc trong phòng thí nghiệm và rất ít khi về thăm bố. Nhưng con cũng gửi chi phí sinh hoạt hàng tháng cho tôi đúng hẹn và luôn nhắn tin hỏi bố nhận được chưa.
Lúc đầu tôi vô cùng hài lòng về việc này và cảm thấy bản thân đã nuôi dạy 3 đứa con thật tốt, có thể chu cấp tiền cho mình nghỉ hưu an nhàn. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra số tiền các con đưa cho mình luôn là 1.000 tệ và không có sự thay đổi nào khác.
Đó là khi tôi bị bệnh nặng và phải nằm viện một tuần. Ba người con của tôi vẫn gửi tiền sinh hoạt hàng tháng đúng hẹn và đúng 1.000 tệ nhưng không hỏi thêm lời nào. Tôi tức giận gọi cho con trai lớn Lý Cường: “Bố ốm nằm viện mà các con chỉ chuyển tiền sao, cũng không hỏi bố cần thêm tiền không hay có khỏe không?”.
“Bố, công việc của con cần nhiều chi phí, thật sự con không còn tiền dư. Bố nhập viện sao? Viện phí nằm viện cũng không quá cao, bố cũng có tiền tiết kiệm nữa”, Lý Cường giải thích.
Tôi không biết nói gì, chỉ có thể im lặng rồi cúp điện thoại. Tôi chợt nhận ra trong mắt các con trai mình, chi phí sinh hoạt chúng đưa cho tôi chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm chứ không hề thực lòng muốn chăm sóc bố tốt hơn. Từ đó trở đi, tôi không còn cảm thấy vui vẻ như trước, cũng không hào hứng với chi phí sinh hoạt các con gửi.
Sau đó tôi gọi điện đề nghị được gặp các con. Tôi nói với con trai lớn Lý Cường: “Con trai, con có thể dành chút thời gian về nhà thăm bố được không? Đã lâu rồi bố chưa được gặp con”.
“Tháng này con không thể về được bố ạ. Con đang bận dự án, đang ở giai đoạn nước rút, con thực sự không thể nghỉ được”, Lý Cường trả lời.
Tôi gọi cho con trai thứ hai Lý Cương: “Con có thể về Trung Quốc trong kì nghỉ lễ được không? Bố nhớ con và muốn gặp con”.
“Thật xin lỗi bố. Con và vợ đã đặt vé đi Úc rồi. Lần này chúng con không thể hoãn được”, Lý Cương đáp.
Tôi lại gọi cho con trai thứ 3 Lý Dũng: “Tối nay con về nhà ăn cơm với bố được không? Bố đã nấu mấy món mà ngày bé con rất thích đó”.
“Tháng này con rất bận ở phòng thí nghiệm. Con phải tăng ca buổi tối nhiều nên không về ăn cơm với bố được”, Lý Dũng trả lời.
Tim tôi thắt lại khi nghe câu trả lời của các con. Thì ra trong mắt con, sự tồn tại của người cha già này đã phai nhạt đi nhiều như vậy. Ngay cả khi tôi đề nghị được gặp chúng, chúng cũng viện lý do để từ chối.
Sau đó tôi lại bị bệnh nặng và phải nhập viện điều trị viêm phổi đột ngột. Tôi gọi cho cả 3 người con, hi vọng chúng có thể gác lại công việc để đến viện thăm tôi. Nhưng câu trả lời vẫn không có gì thay đổi. Tất cả đều lấy lý do “con bận”, “con ở nước ngoài không về được” để thoái thác.
Tôi đau đớn nằm trên giường bệnh, nước mắt trào ra. Tôi đã ốm nặng rồi nhưng 3 đứa con trai vẫn không chịu dành thời gian đến thăm bố. Cảm giác cô đơn bủa vây lấy lão già 74 tuổi như tôi.
Sau đó, bệnh tình của tôi chuyển biến nặng, ung thư phổi giai đoạn cuối. Các con miễn cưỡng đến viện thăm tôi.
Con trai lớn Lý Cường đến với mái tóc bù xù, quần áo nhăn nheo, trông như thể vừa làm việc cả đêm. Con trai thứ hai đầy quầng thâm dưới mắt, có vẻ đãng trí. Còn con trai thứ ba trông rất mệt mỏi, vừa nhìn thấy tôi đã nói: “Bố ơi, con đến thăm bố một lúc rồi lại phải quay lại phòng thí nghiệm có việc”.
Nhìn bộ dạng của các con, tôi hiểu rằng trong lòng chúng, người cha này không có nhiều ý nghĩa. Chúng đến gặp tôi chỉ vì tinh thần trách nhiệm của chữ “hiếu thảo” chứ không phải tình yêu xuất phát từ trái tim.
Sau đó, tôi về nhà sống một mình một thời gian. Các con thỉnh thoảng gọi điện và gửi tiền sinh hoạt phí. Nhưng tôi biết, trái tim chúng không còn ở bên tôi nữa.
Một ngày, tôi đột nhiên đổ bệnh trở lại. Bác sĩ cho biết tình trạng của tôi vô cùng nguy kịch và các con tôi cần phải chuẩn bị sớm. Vì vậy, bệnh viện đã liên lạc với chúng.
“Các anh cần đến viện ngay. Bố các anh đang nguy kịch. Tôi hi vọng các anh có thể đến càng sớm càng tốt, đề phòng có chuyện bất ngờ xảy ra”, vị bác sĩ gọi điện.
Lúc này, 3 người con của tôi đều gác lại công việc để về bên bố. Nghe phản ứng của các con, tôi hiểu rằng cuối cùng chúng cũng nhận ra bố không còn nhiều thời gian nên vội vàng về thăm. Quả nhiên mấy tiếng sau, Lý Cường đã chạy đến bệnh viện, nhìn tôi rồi thở dốc.
“Bố ơi, bố hãy vui lên. Bố nhất định phải chiến thắng bệnh tật”, Lý Cường an ủi tôi.
Lý Cương vừa xuống sân bay cũng vào viện thăm tôi ngay. Lý Dũng đến bệnh viện mới khuôn mặt thất thần, mồ hôi đầm đìa nắm tay tôi: “Bố yên tâm, chúng con sẽ chăm sóc bố thật tốt”.
Nhìn vẻ mặt lo lắng của các con, tôi cảm thấy chua xót trong lòng. Tôi hiểu rằng sự quan tâm của chúng chỉ bởi mạng sống của tôi đang bị đe dọa.
5 ngày sau, mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng tình trạng của tôi vẫn không hồi phục, thời gian không còn nhiều. Ngày hôm đó, Lý Cường đến phòng bệnh rất sớm, mặc bộ vest chỉnh tề, tay cầm hoa. Tôi còn tưởng cuối cùng con cũng coi trọng mình. Nhưng khi bước vào phòng bệnh, Lý Cường bất ngờ lấy điện thoại di động ra và nói: “Bố đợi con chút nhé. Con sẽ quay khoảnh khắc này vào điện thoại”.
Vào lúc này tôi vô cùng tủi thân. Chắc con chỉ muốn khoe việc làm của mình lên mạng xã hội?
Nước mắt tôi trào ra, tim tôi như bị dao đâm. Trong suốt cuộc đời, tôi đã làm việc chăm chỉ nuôi 3 đứa con. Nhưng giờ đây vào lúc tôi sắp lìa đời, thứ tôi nhận được rất nhạt nhòa.
Các con thành đạt nhưng một người cha già lại không còn chỗ đứng trong trái tim chúng?
Bỗng tôi nhớ lại quãng thời gian mình vừa kết hôn. Tôi vui vẻ nói với bố của mình rằng: “Bố ơi, con có con trai rồi. Con nhất định sẽ nuôi dạy chúng thành đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo”.
Bố tôi mỉm cười nói: “Trách nhiệm của cha mẹ là giáo dục con cái tốt nhưng sự trưởng thành của con cái cuối cùng lại phụ thuộc vào chính chúng. Khi chúng lớn lên, có thế giới riêng, chúng ta phải học cách buông bỏ và không nên ép buộc chúng quá nhiều”.
Khi đó vì còn trẻ nên tôi tự tin nói: “Con nhất định sẽ giáo dục con cái thật tốt để chúng không quên cội nguồn, trở thành những người con hiếu thảo. Đó là mơ ước lớn nhất trong cuộc đời con”.
Giờ nhìn lại, tôi không biết mình đã sai hay là các con sai?
“Lão Lý, trên đời này làm gì có chuyện hoàn hảo được. Ông nên học cách chấp nhận hiện thực đi”, người hàng xóm già than thở trước giường bệnh khi đến thăm tôi.
Tôi nằm trên giường, nước mắt tuôn rơi. Đúng, tôi không nên ép buộc các con. Cũng từ hôm đó, tôi bắt đầu một hành trình cuối cùng của cuộc đời mình, sắp xếp đồ đạc, chào tạm biệt hàng xóm. Tôi cũng không yêu cầu các con đến thăm mình hàng ngày và để chúng được làm việc chúng muốn.
Đến ngày tôi ra đi, có lẽ các con cũng sẽ rất buồn và đau khổ. Đúng, trên đời này làm gì có người con nào không thương cha, cũng làm gì có người cha nào không yêu thương con cái? Có lẽ tôi nên mừng vì các con đã thành đạt…
Theo Tú Linh (VietNamNet)