Mùa đông, thời tiết chuyển lạnh thường làm gia tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tai biến. Do đó, cần cẩn trọng trong những thời điểm nhạy cảm của cơ thể.
Mùa đông thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ mắc, làm trở nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm liên quan tới tim mạch, mạch máu não. Đó là lý do các ca đột quỵ, đột tử có xu hướng tăng lên khi nhiệt độ giảm mạnh.
Những đối tượng có nguy cơ cao đó là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… Khi gặp thời tiết lạnh cơ thể không thích nghi kịp, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch.
Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng nề.
Dấu hiệu của bệnh đột quỵ, cần cảnh giác
Do chứng bệnh thường xảy ra đột ngột và khó lường trước, nó có thể xuất hiện trong lúc làm việc, sinh hoạt, hoặc ngay trong giấc ngủ hay vừa thức dậy… Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ để có thể cấp cứu kịp thời là rất quan trọng:
– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
– Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ. Nếu phát hiện người bệnh có nguy cơ trê cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
4 thời điểm dễ gây đột quỵ trong mùa lạnh
Theo bác sĩ chuyên khoa cấp cứu nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Huang Xuan, thời tiết lạnh khiến nguy cơ đột quỵ hay đột tử đều có thể xảy ra với ngay cả những người vốn khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch và có lối sống lành mạnh. Đặc biệt, bác sĩ Huang Xuan cho biết có 4 thời điểm tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh mà ít người chú ý.
1. Bật dậy vội vàng vào buổi sáng
Khi thức dậy vào buổi sáng, nếu đột ngột ngồi bật dậy hoặc vội vã lao ra khỏi giường, cơ thể rất dễ bị sốc nhiệt, co rút mạch máu. Điều này có thể dẫn tới đột tử trong không ít trường hợp.
Do đó, khi đi ngủ dù đắp chăn dày cũng nên mặc đủ ấm, đặc biệt là đi tất khi đi ngủ vào mùa lạnh. Khi thức dậy nên nằm trong chăn từ 3 – 5 phút, bỏ chăn ra từ từ, có thể giãn cơ để làm nóng cơ thể, cho cơ thể thích nghi rồi mới ra khỏi giường. Ngoài ra, có thể mặc thêm áo khoác trước để tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn và đột tử ngay sau khi kéo chăn ra hoặc bước ra khỏi phòng.
2. Tập thể dục vào sáng sớm, tối muộn
Tập thể dục là thói quen đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập luyện vào thời điểm không thích hợp, nhất là trong mùa lạnh sẽ khiến người tập “rước họa vào thân”. Theo bác sĩ Haung Xuan, nguy cơ đột quỵ và đột tử do tập thể dục mùa lạnh hầu hết đến từ 2 nguyên nhân. Một là thời điểm tập luyện và hai là cường độ tập luyện.
Sáng sớm và tối muộn là những thời điểm thường có nhiệt độ thấp nhất trong ngày, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà cũng rất cao. Nếu tập thể dục vào khoảng thời gian này, dễ dẫn tới đột quỵ nhiệt, đột tử do đau tim, tắc nghẽn mạch máu. Chưa kể, những người có thói quen tắm rửa sau khi tập luyện thì sẽ càng nguy hiểm.
Phải khẳng định, việc tập luyện thể dục vào mùa lạnh là cần thiết nhưng đừng tập quá sức vì cho rằng trời lạnh phải vận động nhiều hơn mới đổ mồ hôi, giảm mỡ.
Ở người bình thường, khi không vận động, máu sẽ quay về tâm nhĩ, chỉ cần dựa vào sự co bóp của tĩnh mạch là đủ. Tuy nhiên, khi vận động gắng sức, cung lượng tim mỗi phút gấp 16 đến 17 lần so với không vận động, và cơ bắp lưu lượng máu cũng tăng hơn 25 lần. Khi môi trường bên ngoài lạnh, mạch máu chống lại, tiếp tục co lại, thậm chí làm mạch máu tim bị nhồi máu, lúc này lượng máu về tim chắc chắn không đủ, rất có thể sẽ xảy ra nguy hiểm tính mạng.
3. Rửa mặt, đánh răng bằng nước lạnh mỗi sáng
Nhiều người thường chủ quan dùng nước lạnh để đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng. Hành động nhỏ nhặt này thực tế lại tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, thậm chí đột tử.
Khi đánh răng, rửa mặt bằng nước lạnh, ngoài hiện tượng sốc nhiệt, co rút mạch máu còn bị ảnh hưởng bởi tư thế cúi xuống để thực hiện lên cơ và tuần hoàn máu. Thay vào đó, nên dùng nước ấm nhẹ, sau đó từ từ để làn da cảm nhận hơi ấm, không vội vã khi thực hiện các động tác rửa mặt và đánh răng để bảo vệ chính mình.
4. Thời điểm cởi, mặc quần áo khi tắm
Thời tiết lạnh giá, nhiều người rất thích ngâm mình trong bồn tắm. Tuy nhiên, trước khi bước vào bồn tắm, tiếp xúc với nước ấm hoặc khi rời khỏi nguồn nước thì cơ thể lại rất dễ gặp các mối nguy sức khỏe.
Lý do là lúc này cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột. Điều đó có thể ảnh hưởng tới huyết áp và gây co rút mạch máu. Đặc biệt là lúc vừa tắm xong, cơ thể còn những hạt nước nóng trên da, khi tiếp xúc với không khí se lạnh sẽ làm cơ thể sốc nhiệt.
Theo Tiến sĩ Huang Xuan, khi đi tắm nên vào trong nhà tắm, xả nước ấm hoặc máy sưởi (nếu có), sau đó từ từ cởi bỏ từng lớp quần áo để cơ thể thích nghi rồi mới tắm. Khi tắm xong nên lau khô người ngay lập tức và mặc lại quần áo một cách nhanh chóng. Tuyệt đối không tắm nước lạnh và không tắm quá lâu vào mùa lạnh.
Chủ động đề phòng đột quỵ mùa lạnh
Để phòng ngừa đột quỵ, ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; sử dụng thuốc theo đơn; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống, bạn cần:
– Vận động nhẹ nhàng từ 3 – 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời.
– Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
– Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch, cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức, không mặc quá nóng hoặc quá lạnh. Đặc biệt chú ý giữ ấm vùng đầu và cổ, tránh để lạnh đột ngột.
– Tuyệt đối không uống rượu bia trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.
– Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện huyết áp cao cần được uống thuốc thường xuyên theo đơn của các sĩ. Theo dõi chỉ số huyết áp duy trì trong mức bình thường.
PN (SHTT)