Đi khám vì đau lưng và sốt, cô gái trẻ bàng hoàng khi biết mình phải phẫu thuật để lấy ra hơn 300 viên sỏi thận.
Cô Wang (tên họ nhân vật đã được thay đổi) đang ở nửa đầu của lứa tuổi đôi mươi, đang vừa học vừa làm tại một thành phố lớn của Đài Loan (Trung Quốc). Gần đây, cô thỉnh thoảng lại cảm thấy đau nhức ở vùng bụng và lan ra thắt lưng bên phải. Tuy nhiên, cho rằng mình ngồi sai tư thế hoặc liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt nên cô gái trẻ không quá để tâm.
1 tháng trước, cơn đau vùng thắt lưng ngày càng rõ ràng, thậm chí lan xuống cả hông. Cô Wang bôi cao giảm đau, tự massage, thậm chí còn mua cả viên bổ sung canxi để uống nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm. Cho đến khi cảm giác đau trở nên dữ dội, khiến cô gặp khó khăn khi đi lại, cộng thêm sốt cao gần hai ngày liền, cô mới chịu tới bệnh viện thăm khám.
Bản thân cô Wang cho rằng mình gặp vấn đề về xương khớp nhưng bác sĩ tại Khoa xương khớp, Bệnh viện Chi Mei (Đài Loan, Trung Quốc) lại khuyên cô mau tới Khoa Tiết niệu. Tại đây, bác sĩ Lin Caiyang thăm khám sơ bộ và cho rằng cô Wang có sỏi tiết niệu, cần tiến hành thêm chụp cắt lớp vi tính.
Kết quả, cô Wang bàng hoàng tới mức bủn rủn chân tay khi tận mắt nhìn thấy hình ảnh phim cắt lớp của mình. Khung chậu thận bên phải của cô gái trẻ chứa đầy sỏi, ước tính khoảng trên 200 viên sỏi có kích thước từ 0,5cm đến 2cm.
Bác sĩ Lin kể lại: “Vì bệnh nhân bị sốt nên trước tiên chúng tôi đã tiêm kháng sinh và đặt ống thông thận qua da để giảm phù thận cũng như nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau đó, buộc phải phẫu thuật mới có thể giải quyết số lượng sỏi thận lớn đến như vậy. Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da xâm lấn tối thiểu đã lấy ra hơn 300 viên sỏi, chúng có bề mặt nhẵn mịn giống như những chiếc bánh hấp nhỏ, kích thước lớn nhất là 2,1cm”.
2 thói xấu khi uống nước là nguyên nhân gây sỏi thận
Điều tra bệnh sử cho thấy nguyên nhân gây bệnh ở cô Wang là 2 thói xấu khi ăn uống mà rất nhiều người, nhất là người trẻ tuổi mắc phải. Đầu tiên, cô gái trẻ này không thích uống nước lọc. Cô thường dùng các loại đồ uống bán sẵn, có nhiều đường mà trong đó trà sữa là món cô yêu thích nhất, thường dùng thay nước lọc. Thứ hai, tổng lượng nước cô nạp vào cơ thể – chủ yếu là trà sữa cũng ở mức thấp, khiến cơ thể thường xuyên trong tình trạng thiếu nước.
Các thói xấu này cô Wang đã duy trì từ những năm cấp 3. Ngoài ra, cô cũng tự chia sẻ rằng khoảng nửa năm gần đây mình thích ăn nhiều thịt mà không biết nó cũng góp phần làm tình trạng sỏi thận tồi tệ hơn. May mắn là sau phẫu thuật, tình trạng của cô ổn định nhanh và được xuất viện sau đó 4 ngày, hiện tại vẫn đang được điều trị ngoại trú.
Thông qua trường hợp của cô Wang, bác sĩ Lin Caiyang cũng muốn nhắc nhở tất cả mọi người, nhất là người trẻ tuổi, hãy cẩn trọng hơn với sỏi thận nói riêng và bệnh tiết niệu nói chung. Ông nói: “Rất nhiều người có xu hướng xem nhẹ bệnh sỏi thận. Khi phát hiện có sỏi thận, dù không đau đớn cũng phải điều trị sớm, theo dõi thường xuyên. Ngoài đau đớn khủng khiếp, gây bất thường tiểu tiện, sỏi thận còn có thể dẫn tới tắc nghẽn và tổn thương hệ tiết niệu, suy giảm hoặc mất chức năng thận, thậm chí là ung thư thận.
Kế hoạch điều trị sỏi thận cần xem xét toàn diện tình trạng thể chất của bệnh nhân, kích thước sỏi, vị trí, cấu trúc thận và các yếu tố khác, đồng thời đạt được các lựa chọn điều trị thông qua quyết định chung. Bao gồm: không xâm lấn (nội khoa bằng thuốc, tán sỏi bằng laser…), xâm lấn tối thiểu và kết hợp hai trong một. Sau điều trị cũng cần theo dõi định kỳ, vì tỷ lệ tái phát sỏi thận trong vòng 5 năm cao tới khoảng 30%”.
Về nguyên nhân gây bệnh sỏi thận nói chung, bác sĩ Lin liệt kê 7 yếu tố như sau:
– Uống không đủ nước.
– Chế độ ăn uống quá nhiều canxi, axit oxalic, protein và các chất khác.
– Yếu tố di truyền.
– Chuyển hóa bất thường. Ví dụ, lượng chất chuyển hóa quá mức như axit uric và axit oxalic trong nước tiểu có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận.
– Mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh thận mãn tính.
– Độ pH nước tiểu bất thường, quá axit hoặc kiềm đều dễ hình thành sỏi.
– Giải phẫu thận bất thường, chẳng hạn như niệu quản hẹp, cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Giống như trường hợp của cô Wang, triệu chứng đặc hiệu của sỏi thận là cơn đau bất thường ở vùng thận, thắt lưng. Bệnh nhân có thể bị đau ở một bên hông lưng hoặc bụng lan sau lưng, hiếm khi đau cân đối 2 bên, đau thường thành cơn. Ở nam giới, cơn đau xuất phát từ thận có thể lan đến vùng bẹn.
Bên cạnh đó, sẽ có các dấu hiệu khác đi kèm như: tiểu rắt, tiểu ra máu, nước tiểu đổi màu hoặc có mùi rất hôi, buồn nôn và nôn mửa, ớn lạnh, sốt cao… Cần lưu ý rằng, cơn đau có thể không xảy ra cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản. Hoặc trong trường hợp một viên sỏi thận nhỏ, bệnh nhân có thể không bị đau hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi đi qua đường tiết niệu nên rất khó phát hiện.
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Việt Nam)