Nhiều người vẫn tin rằng giật mí mắt hay nháy mắt liên tục là “điềm báo” thường có liên hệ đến một điều gì đó bất thường mang tính tâm linh. Tuy nhiên, theo y học co giật mí mắt có thể là dấu hiệu sớm của một số rối loạn vấn đề sức khỏe.
Co giật mí mắt liên tục là sự co thắt lặp đi lặp lại và không tự chủ của cơ mí mắt. Co giật thường xảy ra ở mí mắt trên nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả mí mắt trên và dưới. Hầu hết các cơn co giật đều không gây đau đớn, vô hại và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bị co giật nghiêm trọng cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Co giật mí liên tục do đâu?
Khi nhận thấy mí mắt bị giật lên một cách bất thường đừng chủ quan bỏ qua mà nên cẩn thận vì có thể bản thân đã mắc phải một trong các vấn đề sức khỏe.
Mắt giật do dị ứng
Khi cơ thể có các triệu chứng như ngứa mũi, khó thở, ngạt, nổi mẩn ngứa, co giật mí mắt… thì có thể người này đang bị dị ứng. Khi bị dị ứng, các nhân tố gây dị ứng giải phóng histamine và tác động lên phức hợp protein. Khi đó, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh và kích hoạt cơ chế phòng thủ giúp chống lại các tác nhân gây dị ứng, được biểu hiện bao gồm việc co giật mí mắt.
Uống nhiều cà phê quá mức
Chính việc uống cà phê hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mí mắt bị co giật liên hồi. Do trong cà phê có chứa chất caffeine nên nhịp tim dễ bị tăng cao, từ đó kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các cơ, bao gồm cả cơ mắt.
Lý giải cho hiện tượng này là vì các vùng cơ ở mắt rất nhỏ và nhạy cảm, chỉ cần một chút xung đột nhẹ từ môi trường bên ngoài lẫn bên trong cũng có thể khiến chúng phản ứng lại bằng cách co giật. Do đó, người gặp tình trạng co giật mí mắt liên tục nên dừng thói quen tiêu thụ cà phê quá mức của mình và chỉ nên uống không quá 3 ly mỗi ngày.
Mệt mỏi hoặc thiếu ngủ
Căng thẳng, mệt mỏi quá mức có thể phản ứng bằng nhiều hiện tượng khác nhau như thở dài, ngáp, uể oải… và cả co giật ở mí mắt. Khi cơ thể làm việc quá sức, mắt sẽ có những xung đột từ nhẹ đến mạnh.
Do rối loạn dây thần kinh hoặc não bộ
Dù hiếm gặp nhưng giật mí mắt có thể là dấu hiệu của triệu chứng của những rối loạn nghiêm trọng về thần kinh hoặc não bộ.
Bệnh đa xơ cứng: đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong não và tủy sống.
Bệnh Parkinson: bệnh lý này là một chứng rối loạn não gây ra các cử động không kiểm soát được, bao gồm run và cứng cơ.
Tổn thương não: có thể do viêm ở một số khu vực nhất định của não, chẳng hạn như đồi thị, hạch nền hoặc thân não. Đột quỵ cũng có thể gây ra tổn thương dẫn đến co giật ở mắt.
Dystonia: đây là tình trạng các cơn co thắt cơ không tự chủ gây ra các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc tư thế không tự nhiên.
Hội chứng Tourette: hội chứng này là một rối loạn thần kinh gây ra các chuyển động hoặc âm thanh đột ngột, không tự chủ, lặp đi lặp lại.
Bệnh bại liệt của Bell: đây là một tình trạng đặc trưng bởi sự yếu hoặc tê liệt cơ mặt. Hầu hết các trường hợp đều liên quan đến nhiễm virus.
Hội chứng Meige: đây là một rối loạn vận động thần kinh đặc trưng bởi sự co cơ mạnh. Các nhóm cơ bị ảnh hưởng là cơ hàm, lưỡi và mắt.
Phòng ngừa co giật mí mắt
Tình trạng giật mí mắt thường xuyên xảy ra, hãy ghi chép lại thời gian và những triệu chứng đi kèm mỗi lần xảy ra. Ghi lại lượng cafein, thuốc lá và rượu, cũng như mức độ căng thẳng và mức độ ngủ của bản thân trong khoảng thời gian các cơn co giật mí mắt xảy ra.
Khi nhận thấy cơn co giật mí mắt nhiều hơn khi không ngủ đủ, hãy cố gắng đi ngủ sớm hơn từ 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày để làm giảm sức căng của mí mắt và giảm các cơn co giật.
Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại hoặc tivi cũng giúp giảm tình trạng mắt mệt mỏi. Tránh dụi mắt vì không có tác dụng gì mà lại có thể gây tổn thương cho mắt.
Nếu mắt xuất hiện các triệu chứng bất thường như mắt đỏ, sưng hoặc có dịch tiết bất thường, mí mắt trên có dấu hiệu sụp xuống, co giật mí kéo dài trong vài tuần liền và sự co giật ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên khuôn mặt thì nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)