Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt nhất bạn nên tự làm nem chua tại nhà, vừa ngon mà vừa yên tâm.
Nguyên liệu:
– 1 kg thịt lợn (chọn phần nạc mông)
– 200 g bì lợn
– 100 g thính gạo
– 2 củ tỏi: thái lát mỏng, cho kèm vào nem, nhiều hay ít tùy khẩu vị của từng người
– Ớt (tùy thích)
– Lá chuối: nên chọn lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy để gói nem, vì trong quá trình vận chuyển hay lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men cho đến khi “chín” ăn được.
– Gia vị: đường, muối, hạt tiêu, nước mắn cốt cá, bột năng (để tạo độ giòn rắn và kết dính cho nem)
– Lá đinh lăng (hoặc lá ổi)
– Giấy bóng (dùng để bọc thân nem nếu muốn bảo quản dài ngày)
– Giây chun (dùng để buộc nem khi gói xong).
Cách làm:
– Thịt nạc đem xay nhuyễn, tốt nhất là dùng loại thịt vừa cắt ra, vẫn còn ấm, vì thịt càng để lâu, nem càng không ngon, độ bóng cũng như sự kết dính cho nem trong quá trình ủ lên men cũng kém đi.
– Bì lợn rửa sạch, cho vào nước sôi trần chín, sau đó cạo hết phần lông bên ngoài. (Phải cạo lông khi thịt chín thì như thế lông mới sạch và khử hết mùi hôi của bì lợn).
– Để có những sợi bì trong, ngon như ý muốn, bạn cần phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì cho tới khi quan sát thấy lớp bì có màu trắng tinh trong suốt, có độ mỏng vừa phải là được. Bì càng làm sạch bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu.
– Bì lợi sau khi đã làm sạch sẽ tiến hành thái sợi thật nhỏ.
– Trộn hỗn hợp thịt và bì lợn: cho thịt và bì lợn vào một cái tô lớn, cho thêm một chút muối, đường, bột ngọt, nước mắm cốt cá, tỏi, ớt, hạt tiêu tiêu, thính và bột năng vào trộn thật đều (chú ý cho lượng gia vị vừa phải, không nên quá nhiều để tránh nem chua bị nồng mùi).
– Hỗn hợp sau khi đã trộn đều các gia vị thì đem chia thành những mảng nhỏ có độ dài khoảng 7 cm và to bằng ngón tay cái để đóng gói (cũng có thể làm cái nem to như gói giò lụa tùy theo sở thích).
– Dùng lá đinh lăng (lá ổi) quấn lại bên ngoài, tiếp đó lấy lá chuối bọc 6 – 7 lớp và dùng dây chun buộc lại.
– Sau khi đã hoàn tất, bạn đem nem để vào nơi thoáng mát từ 2-3 ngày là nem chín, khi đó có thể đem ra ăn được.
Những lưu ý cho người ăn
Những người mắc một số bệnh dưới đây cần tuyệt đối không ăn nem chua vì sẽ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn:
Người bị sán lá gan
Bệnh sán lá gan chủ yếu lây lan qua đường ăn uống, vì vậy chế độ ăn uống phải được quan tâm cao. Với đặc thù là thịt sống và chín sinh học chứ không phải chín bằng nhiệt, nên sự tiêu diệt các vi sinh vật ở nem chua rất khó khăn. Khi sán lá gan đang phát triển trong cơ thể mà lại ăn những thứ không chín, có thể khiến sán lây lan vào cơ thể nhanh.
Người bị bệnh gút
Bệnh gút là do lắng đọng các tinh thể urat (urat natri) hoặc tinh thể axit uric gây viêm khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi trên 40. Nguời bị bệnh gút ngoài thực hiện các lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, cần hạn chế các thức ăn có nhiều Purin có thể gây tăng axit uric, đặc biệt trong các đợt bệnh cấp tính. Cần tránh ăn nem chua vì chính những chất chua làm cho axit uric tăng cường lắng đọng vào khớp cấp tính.
Người bị viêm đại tràng co thắt
Viêm đại tràng co thắt là bệnh rất phổ biến, triệu chứng điển hình của bệnh là có thể bị đau ngay sau ăn, hoặc khi ăn no. Đặc biệt, người bệnh thường cảm thấy đau khi ăn một số thức ăn lạ, đồ chua, cay, lạnh… Người bị viêm đại tràng co thắt thường đau ở vị trí vùng bụng dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu. Khi bị viêm đại tràng, trong chế độ ăn uống nên chú trọng đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn các loại thực phẩm còn tươi sống (rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá).
Phụ nữ có bầu
Phụ nữ có bầu không nên ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín bởi các loại thực phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn gây hại cho thai nhi. Trong trường hợp xấu có thế gây sẩy thai, thai chết lưu và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Vậy nên, nem chua, gỏi sống hay thực phẩm thịt cá chưa chín sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh bà bầu cần phải tránh để bảo vệ cho bản thân và cả thai nhi.