Nơi này được vệ sinh hàng ngày nhưng thực tế lại có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
“Trung tâm” vi khuẩn trong nhà
Trên tờ DailyMail, nhà khoa học Michael Hanlon đã cảnh báo, trong gian bếp của mỗi nhà có nhiều nguy hiểm ẩn giấu.
Nhà bếp là trái tim của ngôi nhà, nhưng theo Tiến sĩ Charles, nhà vi trùng học và giáo sư tại Đại học Arizona (Mỹ), đây cũng là trung tâm chứa vi khuẩn trong nhà.
Theo Tiến sĩ Charles: “Bồn rửa nhà bếp là nơi chứa đầy vi trùng. Thử nghĩ mà xem, bạn đổ mọi thứ vào nó. Bạn thái thịt sống sau đó rửa sạch thớt trong bồn rửa. Bạn đổ đồ ăn thừa vào bồn rửa. Bạn rã đông các loại thịt đông lạnh hoặc rửa gà sống. Đó là lý do vì sao có nhiều vi khuẩn trong bồn rửa hơn cả trong bồn cầu”.
Ngoài thực phẩm, thì miếng giẻ rửa bát cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn cho bồn rửa. Vị tiến sĩ nói, có đến 10 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông của miếng giẻ bằng mút, và khoảng 1 triệu con nếu miếng giẻ bằng vải. Thậm chí, miếng giẻ rửa bát còn bẩn gấp 200.000 lần bồn cầu. Việc sử dụng miếng giẻ rửa bát vô tình làm tăng số lượng vi khuẩn có trong bồn rửa bát.
Trong bồn rửa, có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh truyền qua thực phẩm, phổ biến nhất là Campylobacter jejuni, Salmonella và Escherichia coli. Trong đó, E.coli là nguyên nhân gây tiêu chảy, viêm phổi, đồng thời là thủ phạm của 80% các trường hợp viêm đường tiết niệu.
Rửa rau, ngâm bát trong bồn rửa bát liệu có an toàn?
Một số gia đình có thói quen ngâm bát đĩa trong bồn rửa, phần vì bận rộn, phần vì cho rằng ngâm nước trước giúp dễ dàng đánh sạch các vết bẩn hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Australian Broadcasting Corporation, việc ngâm bát đĩa lâu trong bồn rửa có thể khiến chúng bẩn hơn.
Bát đĩa để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt nếu chúng được ngâm trong nước ấm hoặc ở nhiệt độ cao. Thông thường, vi khuẩn trong thực phẩm sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút. Tốc độ tăng trưởng của chúng cao hơn sau hai giờ. Vi khuẩn có thể nhân lên hàng nghìn tỷ trong 24 giờ.
Tương tự, việc ngâm thực phẩm tại bồn rửa là con đường trực tiếp giúp cho vi khuẩn gây bệnh bám vào thực phẩm và đi vào cơ thể chúng ta qua đường ăn uống. Nguy hiểm nhất đó chính là những thực phẩm ăn sống như trái cây, rau,… Nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao nếu như bạn vẫn giữ thói quen xấu này.
Gợi ý 3 cách làm sạch bồn rửa bát
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, các bạn có thể áp dụng một số phương pháp vệ sinh dưới đây để hạn chế việc vi khuẩn sinh sôi trong căn bếp của mình.
1. Nước nóng
Việc bồn rửa dù đã cọ bằng xà phòng hay nước nóng mà vẫn còn vi khuẩn là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi để tiêu diệt vi khuẩn chúng ta phải dùng nước 100 độ C, trong khi đó nước nóng ở vòi chưa đủ nóng đến mức đó. Theo các chuyên gia, bạn có thể tự đun sôi nước rồi đổ trực tiếp vào những vùng bám bẩn nhiều trên bồn rửa chén.
Sau đó, bạn đợi trong khoảng 2 – 3 phút cho các vết bẩn tách khỏi bề mặt, rồi dùng bàn chải hoặc miếng rửa chén chà rửa với một ít xà phòng rửa chén rồi xả sạch lại bằng nước lạnh.
2. Chanh tươi và phèn chua
Chanh tươi và phèn chua từ lâu vốn là những nguyên liệu có hiệu quả tẩy rửa cao, lại rất dễ kiếm. Cách thực hiện rất đơn giản: Hòa tan hỗn hợp nước cốt chanh và phèn chua theo tỷ lệ 1:1. Tiếp đến, nhúng miếng rửa chén hoặc khăn lau vào hỗn hợp rồi lau khắp bề mặt chậu rửa chén rồi rửa sạch lại với nước. Đối với những vùng có nhiều vết bẩn hoặc vết bẩn dày, bạn nên đổ trực tiếp hỗn hợp lên bề mặt và đợi trong khoảng 20 – 30 phút trước khi rửa lại với nước để hiệu quả được tốt hơn.
3. Chất tẩy rửa chuyên dụng
Để vệ sinh chậu rửa chén một cách nhanh chóng và hiệu quả thì sử dụng các chất tẩy rửa như nước rửa chén hay các dung dịch tẩy rửa vệ sinh nhà bếp chuyên dụng là một trong những phương pháp không thể bỏ qua.
Theo Thùy Anh (Nguoiduatin.vn)
https://soha.vn/mot-mon-do-trong-bep-ban-hon-bon-cau-la-o-chua-vi-khuan-nhung-nhieu-nguoi-van-vo-tu-ngam-bat-rua-rau-20231128175543403.htm