Ngoại tình luôn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, không chỉ gây ảnh hưởng đến gia đình mà còn gây ảnh hưởng đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được pháp luật Hôn nhân và gia đình bảo vệ. Đồng thời, ngoại tình được xem là một trong những hành vi bị cấm tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Ngoại tình là gì?
Trong khoản 1 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định rõ về chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều trường hợp hôn nhân đổ vỡ do người vợ hoặc người chồng dù đã kết hôn nhưng có hành vi che dấu quan hệ, yêu đương với người thứ ba, thậm chí có nhiều trường hợp chung sống như vợ chồng. Hành vi này được coi là hành vi ngoại tình.
Khi người vợ hoặc người chồng có hành vi ngoại tình thì được xem là đã vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Một trong những hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
Bằng chứng ngoại tình là các chứng cứ chứng minh vợ hoặc chồng đang có mối quan hệ tình cảm trái pháp luật với người thứ ba. Thông thường đây sẽ là những chứng cứ chứng minh được việc vợ, chồng có hành vi chung sống với người khác như vợ chồng. Đó có thể là hình ảnh, tin nhắn, ghi âm giữa chồng, vợ với người thứ ba ngoài ra cần đảm bảo chứng cứ chứng minh phải hợp pháp, khách quan và không mang tính cá nhân.
Hậu quả của việc ngoại tình là gì?
Hôn nhân một vợ, một chồng được xem là một trong những nguyên tắc cực kì quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc vi phạm nguyên tắc không chỉ gây ảnh cá nhân người vi phạm mà còn gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và xã hội, cụ thể như sau:
Một trong những hậu quả của việc ngoại tình là ly hôn, vợ và chồng sẽ không còn chung sống với nhau. Những đứa trẻ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi bố và mẹ của chúng ly hôn vì có người thứ ba. Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Điển hình là những vụ việc thương tâm làm dậy sóng dư luận như: Dì ghẻ và bố ruột đánh con gái cho đến chết hay là bố dượng đóng đinh vào đầu con trai… Những vụ việc thương tâm như vậy ắt hẳn không ai muốn sẽ xảy ra, nhưng hệ lụy của những người ngoại tình đã ly hôn với vợ, chồng hiện tại để lấy nhân tình thì cần phải có những biện pháp đủ để răn đe.
Vì vậy pháp luật đã có những quy định nghiêm khắc để ngăn chặn cũng như xử lý những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Ngoại tình có phải đi tù hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, cụ thể như sau:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
Tuy nhiên, Tòa án chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một số trường hợp sau đây:
“Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
Đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy người nào vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo những quy định trên thì có thể bị khởi tố về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015, SĐ-BS năm 2017 và có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù đến 03 năm.
Nếu vợ hoặc chồng có đầy đủ những chúng cứ về người còn lại có hành vi ngoại tình thì có thể gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an đề nghị giải quyết.
Theo PV (VOV.vn)