Trái cây và hoa tươi là những lễ vật không thể thiếu trong truyền thống thờ cúng ở Việt Nam. Trong đó, quả thanh long không chỉ có vị ngon ngọt mà chúng còn tượng trưng cho sự may mắn, phước lành. Đó là lý do loại quả này thường xuất hiện trong mâm ngũ quả.
Trong tâm thức của người Việt, bàn thờ không chỉ là nơi linh thiêng, tụ khí, tụ tài mà còn là nơi con cháu bày tỏ lòng thành kính. Bởi vậy, những vật phẩm được bày biện trên bàn thờ đều phải mang ý nghĩa tốt lành nhất.
Chính vì thế, từ bánh kẹo đến hoa trái đều phải lựa chọn cẩn thận. Đặc biệt là các loại hoa quả tươi mang sinh khí dùng để thắp hương cần đạt yêu cầu về cả hình thức lẫn ý nghĩa. Mặc dù hoa quả dâng lên bàn thờ tượng trưng cho lòng thành của gia chủ nhưng cũng cần phải hiểu được ý nghĩa của việc bày biện hoa quả, từ đó mới chọn được loại quả tốt lành, tránh thất kính với thần linh và gia tiên.
Nếu như hoa dâng trên bàn thờ mang những điều thơm thảo, rực rỡ, nở rộ nhất thì quả ngọt tượng trưng cho sự cô đọng tất thảy những tinh túy của cây trái. Bởi quả ngọt chính là ý niệm của sự viên mãn, đủ đầy nên loại quả dâng lên bàn thờ thường mang ý nghĩa giàu có, thịnh vượng và sinh sôi, nảy nở. Thanh long là một thức quả như vậy.
Quả thanh long có thắp hương được không?
Thanh long là loại quả có vỏ ngoài màu hồng sáng này mang ý nghĩa thịnh vượng trong phong thủy, mang bày lên bàn thờ vừa may mắn lại thu hút tài lộc. Rất khác với những chiếc gai nhọn tua tủa của quả sầu riêng (loại quả kiêng bày trên bàn thờ), những chiếc tai xanh của quả thanh long luôn hướng lên trên ngụ ý cho sự sinh sôi, phát triền.
Thanh long nghĩa là “rồng xanh”, từ quan niệm trong dân gian và các truyền thuyết, những chiếc tai màu xanh tựa như chiếc vảy rồng. Những vật phẩm mang biểu tượng rồng xanh trong phong thủy đều có ngụ ý bảo vệ chủ nhân, dẹp trừ tiểu nhân và thích hợp cho những người đang phấn đấu công danh.
Hơn nữa, quả thanh long có vẻ ngoài đẹp đẽ, trang nhã và sang trọng nên được chị em thường chọn để bày biện trên bàn thờ gia tiên. Màu đỏ hồng rực rỡ, tươi tắn đẹp mắt ấy khi bày cùng các loại quả khác sẽ tạo nên sự hài hòa về phong thủy, đủ về Ngũ hành.
Chính vì vậy mà thức quả thanh long càng có ý nghĩa tốt lành và may mắn, được bày lên bàn thờ những ngày mùng 1, Rằm, lễ Tết, đặc biệt trong cả Tết Nguyên đán.
Nên chọn thanh long đỏ hay thanh long trắng để thắp hương?
Cùng là quả thanh long nhưng có sự khác biệt nhất định giữa việc chọn thanh long đỏ hay thanh long trắng để thắp hương trên bàn thờ. Vì sao lại có sự khác biệt này?
Về ngoại hình, thanh long trắng có phần tai xanh dài và hướng thẳng lên, đẹp mắt nên thường được chọn để thắp hương nhiều hơn. Còn thanh long đỏ phần tai chủ yếu ngắn và cụp lại nên thường dùng để ăn. Tuy nhiên cũng có lúc thanh long đỏ có trái tai xanh mỡ màng và dài nên có thể mua về thắp hương. Nếu như bày mâm lễ nguyên quả thanh long và mâm ngũ quả nên chọn thanh long trắng để đẹp mắt và dễ bày biện hơn.
Cách bày quả thanh long trên mâm quả như nào mới chuẩn?
Thứ nhất, trước khi muốn bày quả thanh long trong mâm lễ đẹp thì cần phải chọn được những quả đẹp và tươi. Những quả thanh long mới hái, vừa khô nhựa một chút, thân quả tròn, căng bóng, không bị sâu hay nứt vỡ. Phần tai quả phải hướng lên trên, có thể uốn lượn nhưng nhìn chung vẫn phải hướng lên trên. Khi mua thanh long, nên chọn những quả có màu sắc hồng đều, dù tròn hay thuôn dài thì mình quả đều phải mẩy, không được héo.
Thứ hai, những quả thanh long có phần tai bị vàng úa hoặc héo nâu lại thì không chọn. Số lượng thanh long bày biện trên bàn thờ dùng số lẻ, chẳng hạn 1, 3, 5, 7,… Cho nên, bạn cần chọn đĩa bày và số lượng thanh long cho phù hợp. Trong mâm ngũ quả, thường bày 1 quả thanh long to đẹp và kết hợp với các loại quả khác như chuối, bưởi, táo, quýt, quất, dứa,… Còn đối với các mâm lễ quả thông thường có thể bày 3, 5, 7,… quả xen kẽ với các loại quả khác hoặc bày nguyên mâm lễ thanh long tùy thuộc vào ý định của gia chủ.
Thứ ba, khi bày biện thanh long trên mâm quả, thanh long nên đặt dựng đứng để các tai xanh hướng lên trên, tránh đặt nằm ngang hoặc úp phần tai xanh xuống. Kích thước thanh long khá lớn nên đặt ở bên hoặc sau đỡ cho quả khác trong mâm lễ sẽ hợp lý, tránh đặt phía trước sẽ làm mất cân đối mâm quả.
Thứ tư, phần tai xanh của quả thanh long khum khum chụm sát vào nhau hay uốn lượn tõe ra một chút cũng không ảnh hưởng gì, miễn là phần tai xanh phải hướng lên trên, tượng trưng cho phúc khi dồi dào, sinh sôi nảy nở, cuộc sống đi lên.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
NT (SHTT)