Chúng ta sử dụng hành lá như loại rau gia vị phổ biến nhất nhưng lại không biết rằng nó có thể chống lại nhiều bệnh tật, thậm chí cả ung thư.
Trên chương trình y tế trực tuyến nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) “Cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh”, Tiến sĩ khoa Jiang Shoushan cho biết: chúng ta ăn hành lá hàng ngày nhưng lại ít quan tâm tới lợi ích hay tác hại của nó.
Ông nói: “Hầu hết mọi người chỉ coi đây là loại rau gia vị để tăng hương vị món ăn một cách đơn thuần. Trong khi đó, hành lá có thể chống cảm lạnh, tốt cho thị lực và tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch, chắc khỏe xương… thậm chí tăng cường sinh lý và chống lại cả bệnh ung thư”.
Tiến sĩ Jiang lấy dẫn chứng về tác dụng của hành lá bằng một ca bệnh ung thư thực quản. Cụ thể, bệnh nhân này giới tính nam, họ Zhang. Công việc của ông Zhang thường xuyên phải rượu bia nhưng lại có chứng đỏ mặt, buồn nôn sau khi dùng chỉ một chút đồ uống có cồn. Ông Zhang được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn 2 ở tuổi 51. Sau nhiều đợt hóa trị và phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc đã làm suy giảm chức năng thận của ông Zhang, khiến ông phải tới bệnh viện của Tiến sĩ Jiang để điều trị.
Tiến sĩ Jiang vừa điều trị bằng thuốc vừa điều chỉnh thực đơn và hướng dẫn bệnh nhân cải thiện lối sống cho lành mạnh hơn. Trong đó, ông khuyên bệnh nhân này nên ăn nhiều các loại rau, củ gia vị có tính chất kháng viêm, chống oxy hóa cao. Điểm đặc biệt là bệnh nhân này không ăn được hành củ và tỏi, nhưng lại rất thích hành lá chiên trứng. Vì vậy, Tiến sĩ Jiang khuyến nghị ông Zhang nên ăn hành lá nhiều hơn, tận dụng trong nhiều món ăn, nhất là những món không quá nhiều dầu mỡ.
Không ngờ, sau 7 năm bệnh ung thư của ông Zhang không hề tái phát, thận và sức khỏe tổng thể cũng được cải thiện rất nhiều. Bệnh nhân cho biết mình ăn hành lá gần như mỗi ngày và Tiến sĩ Jiang cho rằng đó là một trong những lý do quan trọng giúp chống ung thư thực quản tái phát, cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.
Tại sao ăn hành lá giúp chống lại bệnh ung thư?
Tiến sĩ Jiang chia sẻ: “Hành lá là loại rau gia vị phổ biến trong gian bếp, có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ chứa vitamin K, A, C và folate cùng nhiều chất chống oxy hóa khác. Khoa học cũng đã chứng minh những đặc tính kháng viêm, tốt cho tim mạch, chống lại ung thư của hành lá từ lâu. Đặc biệt, ăn hành lá thường xuyên giúp phòng và ức chế tế bào ung thư theo rất nhiều cách. Đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt”.
Đầu tiên, allicin có trong hành lá là chất chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Khi hấp thụ vào cơ thể, hợp chất này có thể gây mùi hôi nhưng lại hỗ trợ ngăn chặn các tế bào ung thư. Thứ hai, hành lá chứa nhiều chất chống oxy hóa như quercetin, flavonoid và vitamin có thể chống lại nhiều bệnh mạn tính và giảm viêm. Chúng cũng giàu vitamin C góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch.
Thứ ba, chất bioflavonoid, allyl sulfide cùng một số hợp chất khác trong hành lá được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u. Thứ tư, beta-carotene trong hành lá có thể tăng cường màng nhầy, giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim và ung thư.
Với ung thư dạ dày, theo nghiên cứu của Trường Đại học Nam California (Mỹ) và Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), các loại cây họ hành như tỏi, hành tây, hẹ tây, tỏi tây, hành lá và hẹ chứa hàm lượng flavonoid và organosulfur cao. Ăn hành lá có thể tăng tác dụng kháng khuẩn HP – loại vi khuẩn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tiến sĩ Jiang nói thêm: “Chất sulfide trong loại rau gia vị này có thể ức chế vi khuẩn đường tiêu hóa chuyển nitrat thành nitrit, ngăn chặn quá trình gây ung thư hệ thống tiêu hóa. Ví dụ như ung thư thực quản hay ung thư dạ dày”.
Hay với ung thư tuyến tiền liệt, một nghiên cứu công bố năm 2002 từ Viện Ung thư Quốc gia (Trung Quốc) cho thấy ăn 10g tỏi, hành tây hoặc hành lá mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu lấy dữ liệu từ hơn 200 nam giới ung thư tuyến tiền liệt và gần 500 nam giới không mắc bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, lợi ích này nhờ vào hàm lượng allium có trong hành lá.
“Chưa kể, axit malic trong hành lá giúp thúc đẩy sản xuất năng lượng, tăng cường sức bền thể chất và cải thiện thành tích thể thao. Phức hợp vitamin B của nó giúp duy trì chức năng thần kinh bình thường, giảm lo âu, mệt mỏi, hay quên và mất ngủ, đồng thời hỗ trợ chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate. Hành lá cũng chứa selenium để tạo thành thione trong cơ thể con người, điều chỉnh chức năng miễn dịch tế bào và giúp cơ thể loại bỏ độc tố” – Tiến sĩ Jiang nói.
Tiến sĩ Jiang cũng lưu ý thêm rằng ngoài hành lá, các loại rau củ gia vị giàu chất kháng viêm, chống oxy hóa như: nghệ, tỏi, gừng, ớt, tiêu, lá húng quế, lá hương thảo, xạ hương, bạc hà, rau kinh giới.. cũng có thể hỗ trợ phòng ung thư.
Ngoài ra, khi chế biến hành lá l nên hạn chế nấu chín hoặc chín quá kỹ để duy trì các chất dinh dưỡng và tinh dầu trong hành. Mỗi người nên tiêu thụ lượng vừa phải vì nhiều có thể khiến cơ thể, hơi thở nặng mùi.
Nguồn: ETtoday, Family Doctor, Health 2.0
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Việt Nam)