Ông lão 74 tuổi có tiền tiết kiệm vài tỷ nhưng ông lại cảm thấy cuộc sống của mình thật buồn chán, không vui vẻ, thoải mái như những người hàng xóm nghèo ở quê.
Ông Hà, 74 tuổi (Trung Quốc) từng làm việc bận rộn nửa đời người, dành dụm được kha khá tiền. Mấy năm trước, ông nhận được 1 triệu tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) tiền bồi thường đất đai. Ngoài ra, hàng tháng, ông Hà còn nhận được số tiền lương hưu là 5.000 tệ (17 triệu đồng), thông tin từ trang Sohu.
Ông có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Đối với mọi người, ở tuổi của ông, tiền bạc con cái đề huề là điều rất hạnh phúc. Ai nhìn vào ông Hà cũng chỉ thấy ngưỡng mộ. Nhưng ông lại nói, mình không hạnh phúc, vui vẻ bằng những người già cô đơn ở quê. Có thể nói, bề ngoài ông có một cuộc sống hạnh phúc, giàu sang nhưng thực chất ông lại rất khổ. Vậy lý do là gì và tại sao ông lại nói như vậy?
Quay trở lại thời điểm vợ ông còn sống.
11 năm trước, vợ ông Hà chưa qua đời, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười nói. Gia đình sống hòa thuận, yêu thương lẫn nhau, hàng xóm cũng phải ghen tị. Thế nhưng, từ khi vợ ông bị bệnh, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Khi đó, bà Hà cần khoảng 500.000 tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) để chữa trị. Nhưng ông Hà mới nghỉ hưu, trong tay chỉ có hơn 100.000 tệ (khoảng 340 triệu đồng) tiền tiết kiệm.
Số tiền còn thiếu là 400.000 tệ. Lúc này ông ngỏ ý muốn xin tiền các con nhưng không đứa con nào đứng ra lo liệu cho mẹ. Tất cả đều tìm lý do để thoái thác. Chúng chỉ góp cho ông 10.000-20.000 tệ.
Đứa con gái nói vừa mua nhà và đã tiêu toàn bộ số tiền tiết kiệm. Hơn nữa, bỏ ra số tiền lớn như vậy thì gia đình chồng cô sẽ không đồng ý. Bởi tiền bạc trong nhà là do chồng cô quản lý. Người con trai thì nói đã cho người khác vay tiền nhưng chưa đòi lại được. Dù các con đã lấy lý do này lý do nọ để thoái thác việc đưa tiền chữa bệnh cho mẹ nhưng ông Hà vẫn không tin.
Con trai còn khuyên ông bán đi một căn nhà để chữa bệnh cho mẹ. Ông cũng từng nghĩ đến điều đó. Nhưng dù muốn bán cũng không thể nhanh như vậy và cũng không thể lấy đủ số tiền ngay lập tức. Sau đó, các con cũng gom góp được một khoản nhỏ dưới sự thúc ép của ông Hà.
Tuy nhiên, thời gian gom tiền quá lâu khiến bệnh tình của bà Hà qua mất “giai đoạn vàng” chữa trị. 3 tháng sau đó, bà Hà qua đời. Nghĩ đến sự ra đi bất ngờ của vợ, ông Hà vô cùng đau buồn. Ông càng rơi nước mắt khi nghĩ đến việc bà Hà từng yêu thương các con đến nhường nào, hi sinh vì các con ra sao nhưng lúc bà đau ốm, các con lại khước từ giúp mẹ.
Cũng vì chuyện đó, tình cảm gia đình rạn nứt. Ông Hà cảm thấy vô cùng thất vọng về các con mình đã nuôi lớn.
Cũng kể từ đó, ông Hà nhận ra rằng, mình không nên bao bọc, yêu chiều các con quá nhiều. Trước đây, vợ chồng ông, nhất là vợ ông quá yêu chiều các con, che chở cho các con nên chúng chưa học được bài học sẻ chia và giúp đỡ người khác. Chúng chỉ biết nhận và không biết cho đi.
Từ đó, ông bắt đầu đặt mục tiêu sống cho mình, tiết kiệm tiền lương hưu. Năm thứ 4 sau khi vợ mất, ở quê bất ngờ có chính sách thu hồi đất đai. Ông Hà được bồi thường hơn 1 triệu tệ. Tuy nhiên ông không chia số tiền này cho bất cứ người con nào.
Khi biết tin bố có tiền bồi thường, các con tìm đến ông. Đứa thì nói cần tiền xây nhà cho con nên nhờ ông hỗ trợ. Đứa lại nói cần tiền để làm ăn kinh doanh. Dù vậy ông Hà kiên quyết từ chối.
Ông nghĩ rằng con cháu có những phúc phần riêng thì sẽ có những gánh nặng, khó khăn riêng mà chúng phải gánh vác. Hơn nữa chuyện mua nhà, khởi nghiệp là việc của người trẻ, sao phải nhờ đến một ông già như ông giúp đỡ?
Có lẽ vì không lấy được tiền của bố nên các con ít về thăm ông hơn. Cháu trai cũng vì vậy mà trách cứ ông.
Nhiều người không hiểu nói ông ích kỉ. Nhưng ông Hà luôn cho rằng mình không làm gì sai. Đó là tiền của ông và ông có quyền quyết định sử dụng số tiền đó thế nào.
Cũng vì việc này, tình cảm cha con rạn nứt. Tết năm đó, các con không về quê thăm bố. Ông Hà rất buồn nhưng bản thân nghĩ rằng, với số tiền đó, ông có thể an nhàn tuổi hưu, không cần nhờ vả đến các con. Sau này, khi không còn tự chăm sóc được mình, ông sẽ vào viện dưỡng lão bằng số tiền đó.
Nhưng không ngờ, một tai nạn xảy ra khiến ông phải ân hận. Khi đang đi xe máy, ông bị tông và ngã xuống đường. Dù đã tận tình chữa trị nhưng bác sĩ kết luận ông bị liệt hoàn toàn phần thân dưới. Người giúp ông nhập viện đã gọi điện cho các con của ông. Con trai nghĩ đó là cuộc gọi lừa đảo nên đã cúp máy. Chỉ có con gái tin và đến viện chăm sóc bố. Sau đó con trai cũng đến.
Những tưởng các con sẽ chăm sóc ông suốt thời gian đó trong viện nhưng sau khi giúp bố làm các thủ tục nhập viện, thuê y tá, họ đã trở về nhà. Con gái nói phải đưa con đi học, không thể chăm sóc ông lâu. Con trai thì bận công việc và nói ông nên thuê người chăm sóc mình.
Khi ông Hà ra viện, con trai thuê một bảo mẫu chăm sóc ông tại quê. Nhưng người bảo mẫu này chỉ nhận tiền, thiếu trách nhiệm, thường xuyên buôn điện thoại đến mức ông gọi cũng không nghe thấy. Ông phàn nàn với con trai thì con khuyên ông chấp nhận bởi bảo mẫu cũng chỉ làm hết trách nhiệm của họ và nhận lương.
Sau đó, ông chủ động xin vào viện dưỡng lão. Tuy ở viện dưỡng lão có người chăm sóc tận tình hơn, dịch vụ tốt hơn nhưng đổi lại, ông vẫn không có được niềm vui, hạnh phúc. Khi chứng kiến những người già bên cạnh được con cái đến thăm, cuối tuần được đón về nhà các con chơi, ông lại chạnh lòng rơi nước mắt.
Các con ông chưa từng đến chơi với ông, cũng không mua cho ông bất cứ thứ gì. Nhìn những người xung quanh kể về con họ, tự hào về lòng hiếu thảo của các con, ông cảm thấy vô cùng buồn. Ở tuổi hưu, tiền có trong tay vài tỷ nhưng đổi lại ông Hà chỉ thấy trống trải và cô đơn. Điều khiến ông thấy thiếu thốn hơn cả chính là tình cảm gia đình, tình thân.
Khi đó, ông ngỏ ý muốn cho tiền các con nhưng họ đều không cần nữa. Sau nhiều năm khó khăn, sự nghiệp của các con ông cũng phất lên, mua được nhiều nhà cửa ở thành phố, cuộc sống giàu sang. Tiền bạc với họ cũng không còn quá quan trọng nữa và họ cũng không hỏi đến tiền tiết kiệm của ông.
Không biết vợ ông sai hay ông sai từ khi giáo dục các con? Hoặc vì ông quá cố chấp cho rằng các con thực sự không muốn giúp mẹ lúc lâm bệnh nên mới có suy nghĩ ích kỉ với các con của mình? Trong lòng ông Hà luôn dằn vặt vì chuyện đó nhưng vẫn không thay đổi được mọi chuyện.
Ở viện dưỡng lão, nước mắt ông lăn dài. Ông nhận ra, dù nghèo khó, khốn khổ đến đâu cũng không thể đánh mất đi thứ tình cảm quý giá nhất, đó là tình cảm gia đình.
Theo Tú Linh (VietNamNet)