Cảm giác tê cứng khi ngủ còn được gọi là bóng đè. Đây là trạng thái mà người mắc không thể cử động hoặc nói khi chuẩn bị ngủ hay vừa thức dậy. Với nhiều người, đây là trải nghiệm đáng sợ.
Báo VietNamNet dẫn lời chị Lê Thu Hương (41 tuổi, trú tại Sông Công, Thái Nguyên) cho biết khoảng một năm nay chị thường xuyên bị bóng đè khi ngủ, ngay cả lúc nghỉ trưa. Mỗi lần xuất hiện tình trạng bóng đè, người phụ nữ này cảm giác như ai bóp cổ mình, khó thở, vã mồ hôi, kêu cứu nhưng không ai giúp dù vẫn nghe tiếng người xung quanh nói chuyện. Tình trạng này khiến chị sợ ngủ, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng.
Tại sao bị bóng đè?
Theo VnExpress, khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, não gửi tín hiệu giúp thư giãn các cơ ở tay và chân. Kết quả làm mất trương lực cơ và tự động rơi vào trạng thái tê liệt tạm thời trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM), bắt đầu từ 70 đến 90 phút sau khi ngủ.
Nếu một phần não bộ thức giấc, hiện tượng tê liệt khi ngủ (còn gọi là bóng đè) xảy ra, người ngủ nhận thức được xung quanh nhưng không thể cử động tay chân hoặc nói và dần sản sinh ảo giác trong vài phút. Theo WebMD, cứ 10 người thì có 4 người từng bị bóng đè một lần trong đời, phổ biến ở tuổi thiếu niên.
Rối loạn giấc ngủ
Nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Y Cao Hùng (Đài Loan), với 100 người tham gia, cho thấy chứng tê liệt khi ngủ phổ biến ở người mất ngủ mạn tính, rối loạn nhịp sinh học và chuột rút ở chân vào ban đêm. Trong đó có 38% trường hợp gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Các nhà khoa học lý giải rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng và thời gian ngủ; từ đó, dẫn đến tình trạng khó chịu vào ban ngày và suy giảm chức năng nhận thức lúc đêm. Chứng tê liệt khi ngủ thường xảy ra nhiều hơn khi nằm ngửa. Vì ngủ trong tư thế này dễ gây ngáy, ngưng thở khi ngủ.
Chứng ngủ rũ
Não của người mắc chứng ngủ rũ thường khó kiểm soát chu kỳ ngủ – thức do mất đi các tế bào não sản xuất chất dẫn truyền thần kinh gọi là orexin. Chất này đóng vai trò củng cố sự tỉnh táo và ức chế giấc ngủ REM. Kết quả khiến não có thể rơi vào hiện tượng tê liệt sau khi chìm vào giấc ngủ thường xuyên hơn.
Các dấu hiệu ngủ rũ gồm giấc ngủ không liên tục, ảo giác, buồn ngủ ban ngày hoặc yếu cơ. Những yếu tố nguy cơ gây ngủ rũ như người bị lệch múi giờ, làm việc theo ca.
Rối loạn sức khỏe tinh thần
Người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, từng trải qua đau khổ về thể chất và tinh thần, rối loạn lo âu dễ bị bóng đè. Nguyên nhân do sự kết hợp của ảo giác, suy nghĩ và hành vi rối loạn làm suy giảm hoạt động hàng ngày, từ đó phát triển chứng lo âu, dẫn đến bóng đè.
Người hay mơ mộng cũng có nhiều khả năng bị tê liệt khi ngủ hơn. Theo các nhà khoa học lý giải niềm tin siêu nhiên làm tăng ảo giác.
Các biểu hiện của bóng đè
Thứ nhất, người bị bóng đè thường thấy có người lạ vào phòng mình đang ngủ hoặc đang đi lại xung quanh trong phòng ngủ thậm chí có người ảo giác thấy rõ người ngồi trên giường ngủ của mình. Khi đó, họ có cảm giác sợ và cảm thấy khó thở, cơ thể tê cứng. Khi thức dậy họ thấy mệt mỏi, cơ thể đau. Đây là do những cơn co cơ khi đang ngủ.
Thứ hai, cảm thấy ngộp thở, bụng tê dại, vùng ngực như có ai đè và có thể họ vùng vẫy nhưng khi oxy lên não họ mới tỉnh dậy. Những người thần kinh suy nhược thường gặp triệu chứng này. Vì vậy, nhiều người sợ ngủ vì bóng đè càng khiến họ suy nhược hơn.
Thứ ba, người ngủ cảm thấy mình đang rơi từ trên cao xuống đất. Họ có cảm giác đau đớn như thật. Người bị bóng đè cảm giác rất thật nhưng họ không bao giờ cảm thấy chạm chân được tới đáy. Họ có trạng thái lơ lửng nên sợ hãi và tỉnh giấc. Biểu hiện toàn thân vã mồ hôi, tim đập nhanh, chân tay co quắp, khoảng vài phút sau họ mới bình tĩnh phát hiện đó chỉ là giấc mơ.
Làm sao để tránh bóng đè?
Bóng đè không gây hại nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực khi đi ngủ, giảm số giờ ngon giấc. Để tránh tình trạng này, mỗi người nên giữ lịch trình ngủ thức đều đặn, đủ giấc.
– Nên cố gắng duy trì ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Lịch sinh hoạt hợp lý.
– Môi trường ngủ nên gọn gàng thoải mái, vệ sinh sạch sẽ. Không mặc áo chật áo bó khi ngủ để thoải mái hơn.
– Nên tăng cường vận động để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, ăn ngủ khoa học hợp lý để giấc ngủ ngon hơn
– Không nên ăn quá no hay uống rượu bia trước khi ngủ.
– Bỏ thuốc lá, thuốc lào vì chất nicotin trong thuốc có thể kích thích làm khó ngủ và hay mộng mị.
– Cần giảm thiểu lượng caffein, chất kích thích, hạn chế ăn vặt buổi tối.
– Không sử dụng điện thoại, máy tính trước khi lên giường để giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh.
– Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách tắm, đọc sách, nghe nhạc êm dịu sẽ giảm hiện tượng bóng đè.
Bác sĩ cho biết bạn có thể sử dụng thêm các loại gối thảo dược giúp giấc ngủ sâu. Trường hợp triệu chứng bóng đè xuất hiện quá nhiều lần bạn có thể tìm tới các chuyên gia y tế nhờ hỗ trợ để ngủ ngon hơn.
PN (SHTT)