Trào ngược dạ dày là một bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết thay đổi chuyển lạnh vào mùa đông thì trào ngược dạ dày lại tái phát và trở nặng.
Tại sao trào ngược dạ dày dễ tái phát vào mùa lạnh?
– Khi thời tiết chuyển lạnh làm giảm độ dày của lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc nên dạ dày dễ bị tác động và tổn thương hơn. Thêm nữa không khí lạnh kích thích hàm lượng histamin trong máu tăng, dịch acid dạ dày tăng tiết nhiều hơn làm cho dạ dày co bóp mạnh.
Chính vì điều này khiến cho người bệnh bị viêm loét dạ dày dễ tái phát các triệu chứng là những cơn đau bụng, đau âm ỉ. Cùng với đó là tình trạng ợ hơi, ợ nóng, đầy bụng và tức ngực… cũng tăng lên làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.
– Nhiều người có chế độ ăn uống và ủ ấm cơ thể chưa khoa học, trong đó có thói quen uống rượu hoặc hút thuốc lá vì nghĩ có thể giúp làm ấm cơ thể. Tuy nhiên đây là những chất kích thích có hại đến đường tiêu hóa.
Thêm nữa thời tiết chuyển lạnh, nhiều người lại có xu hướng ăn thức ăn có nhiều gia vị, cay nóng, lượng thực phẩm ăn cũng nhiều hơn và vô tình tạo gánh nặng cho dạ dày… đây là những yếu tố dẫn đến trào ngược dạ dày dễ tái phát vào mùa lạnh.
– Ngoài ra, giai đoạn chuyển mùa lạnh lại là thời điểm sức đề kháng cơ thể cũng bị giảm càng dễ phát sinh và tái phát bệnh trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày có thể gây biến chứng nguy hiểm
Trào ngược dạ dày dễ xảy ra các biến chứng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm họng mạn tính
Khi lượng dịch vị acid trào ngược lên vùng hầu họng dễ gây viêm nhiễm với các triệu chứng: ho, vướng đờm ở cổ. Nếu không giữ ấm vùng cổ khi ra ngoài đường tình trạng bệnh sẽ nặng thêm.
Nhiều người chỉ uống thuốc trị viêm họng bằng kháng sinh thông thường mà không chú ý đến trào ngược dạ dày thì hiệu quả điều trị cũng không đạt kết quả cao.
Viêm thanh quản, phế quản
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, kèm theo acid dạ dày trào lên dẫn đến người bệnh trào ngược dạ dày dễ bị viêm thanh quản. Bệnh gây rát họng, mất tiếng, khàn tiếng… do khi ngủ là thời điểm acid tiết ra nhiều gây trào ngược ảnh hưởng đến dây thanh quản.
Bệnh nếu không được kiểm soát tốt thì viêm thanh quản, phế quản dễ bị tái phát thành mạn tính.
Những biến chứng khác
Trào ngược dạ dày tái phát và biến chứng nặng hơn với các triệu chứng: đầy bụng, mất cảm giác thèm ăn, nuốt vướng, nghẹn cổ… Đây là biểu hiện của biến chứng loét thực quản, hẹp thực quản.
Trào ngược dạ dày có dẫn tới ung thư?
BSCK II Hà Hải Nam – Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ trên Phụ nữ & Pháp luật, trào ngược dạ dày thực quản có nguy cơ gây ung thư không? Câu trả lời là có thể gây ung thư thực quản. Bởi niêm mạc thực quản không có cấu tạo giải phẫu có chức năng chấp nhận cho axit dạ dày trào lên. Chỉ có duy nhất niêm mạc dạ dày được cấu tạo tự nhiên để sống chung với axit do chính dạ dày tiết ra.
Do vậy, việc trào ngược sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đoạn nối giữa thực quản và dạ dày. Đây cũng là vùng chuyển tiếp nên tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể sẽ gây nên bệnh lý barrett thực quản, hay thậm chí ung thư thực quản. Vì vậy, bạn nên đi khám để các bác sĩ đánh giá tình trạng xem ở mức độ nào, từ đó sẽ có phương án điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa trào ngược dạ dày khi trời lạnh
Dạ dày dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi và chuyển lạnh. Vì vậy, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày cần sử dụng thuốc điều trị phù hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý góp phần giúp giảm tối đa trào ngược dạ dày tái phát:
– Nên ăn uống điều độ, khoa học, chia nhỏ bữa ăn và ăn đa dạng có nhiều chất xơ. Tránh ăn quá no hay để dạ dày quá đói. Không nên ăn đồ ăn chua, cay…
– Nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế thức khuya.
– Tránh xa khói thuốc lá vì nó chứa rất nhiều độc tố đối với cơ thể như nicotin, hắc ín, formaldehyde, cyanid… làm ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa và hô hấp.
– Nên chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng bụng và cổ.
– Tập thể dục để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng thích nghi với thay đổi của thời tiết.
– Nếu có dấu hiệu bệnh nên đi khám và sử dụng thuốc điều trị sớm, tránh để bệnh nặng.
PN (SHTT)