Trẻ gãy răng khi co giật do mẹ đã nhét đũa vào miệng. Đây là sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải.
Mang con vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng sốt, co giật, đặc biệt phần môi của trẻ sưng to, người mẹ hốt hoảng cầu cứu bác sĩ. Chị chia sẻ sợ con co giật, cắn vào lưỡi nên đã đưa đũa vào miệng trẻ.
Tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ hành động sai lầm này của mẹ khiến con bị gãy răng. May mắn, dị vật không rơi vào đường thở. Nếu trường hợp này xảy ra, tính mạng của trẻ có thể gặp nguy hiểm.
Theo bác sĩ Thảo, trẻ bị co giật khi sốt đều khiến cha mẹ lo lắng nhưng tình trạng này sẽ qua đi và không gây tổn thương não. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất sốt cao thông thường không làm hại não trừ trường hợp chẩn đoán nhầm. Đó là những bé bị sốt cao co giật liên quan đến viêm não, viêm màng não.
Khoảng 30% trẻ sẽ bị co giật do sốt có nguy cơ bị lại. Với trẻ có tiền sử co giật do sốt, cha mẹ nên bình tĩnh, cố gắng không để trẻ sốt cao.
Cách xử trí khi trẻ bị co giật:
Khi trẻ lên cơn co giật, người lớn không thể sơ cứu hay có biện pháp gì để cơn co giật dừng lại. Cha mẹ nên bình tĩnh quan sát. Đặt trẻ trên một bề mặt phẳng, nằm nghiêng một bên. Cởi bỏ khăn quàng cổ (nếu có), nới rộng quần áo. Đừng kiềm chế trẻ co giật, chỉ đặt tay giữ vai trẻ để bé không lật úp người. Mọi người cần đứng tránh xa cho bé thoáng khí, có oxy để thở.
Người lớn tuyệt đối không cho bất cứ thứ gì vào miệng chúng, kể cả ngón tay. Khi co giật do sốt, trẻ không cắn phải lưỡi. Cố gắng xem chính xác những gì xảy ra và mô tả với bác sĩ sau đó. Nếu có thể, cha mẹ hãy ghi lại đoạn video về cơn co giật. Thông thường trẻ sẽ tự cắt cơn co giật trong vòng 5 phút. Nếu tình trạng kéo dài quá 5 phút, hãy đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất.
Trẻ tỉnh táo mà vẫn sốt cao thì dùng thuốc đặt hậu môn hoặc uống thuốc để hạ sốt, sau đó đưa trẻ đi khám để biết xem có bệnh gì khác ngoài sốt không.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)