Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào?

Uống rượu pha nước ngọt, nước tăng lực, soda… là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo việc làm này rất có hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Trước thực trạng nhiều người thường pha nước ngọt, nước tăng lực vào rượu cho dễ uống, trao đổi với Gia đình Việt Nam, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà – Bệnh viện ĐKQT Nam Sài Gòn (TP.HCM) cảnh báo, rượu pha với nước ngọt có ga hoặc soda chứa nhiều CO2 sẽ khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm đau đầu, chóng mặt.

Nếu có triệu chứng ngộ độc thì sẽ trầm trọng hơn, làm tăng độc tính lên hệ thần kinh gây mất ý thức, giảm trí nhớ, tăng độc tính lên mạch máu gây giãn mạch máu ngoại vi ở da, co mạch não, tim… gây tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí đột tử.

Ngoài ra, bác sĩ Hà cũng cho rằng, 1 g rượu chứa 7 kcal, 1 g đường chứa 4 kcal. Pha chung thường dễ uống sẽ càng kích thích uống nhiều hơn, càng làm dư thừa lượng rượu và năng lượng nạp vào cơ thể. Về lâu dài, gây ảnh hượng nặng đến hệ thần kinh, suy tế bào gan,…

Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào?
Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc nhiều người có thói quen uống rượu, bia pha với nước ngọt có gas, nước tăng lực với mong muốn làm bớt đi nồng độ cồn, giúp giảm say, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy – giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Viện Châm cứu trung ương, khẳng định đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, việc pha rượu, bia vào nước ngọt không giúp làm giảm say mà còn khiến tình trạng say nhanh hơn, trầm trọng hơn.

Bác sĩ Thủy phân tích trong nước ngọt có gas thường chứa nhiều CO2, khiến việc hấp thu cồn trong rượu, bia nhanh hơn.

Đối với nước tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao, khiến cơ thể tỉnh táo hơn, lúc này người sử dụng rượu, bia không đánh giá được mức độ say để dừng cuộc nhậu.

Khi sử dụng hỗn hợp nước ngọt có gas, nước tăng lực với rượu, bia sẽ làm cơ thể hấp thu nhanh hơn, đồng thời kích ứng dạ dày khiến dễ say và mệt mỏi hơn so với bình thường.

Ngoài ra, những hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ, thậm chí là ngộ độc rượu.

“Chúng ta tuyệt đối không nên pha rượu, bia chung với các loại nước ngọt, nước tăng lực.

Bên cạnh đó, để giảm tình trạng say rượu trong dịp lễ, Tết, trước khi uống rượu nên ăn uống đầy đủ, ưu tiên bổ sung tinh bột, rau xanh, chất béo, dầu mỡ sẽ giúp làm giảm tốc độ hấp thu của rượu, khiến quá trình say chậm hơn.

Và điều này không khiến lượng ethanol được cơ thể hấp thu thay đổi. Vì vậy chỉ nên sử dụng rượu, bia vừa phải để không ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Uống rượu pha nước ngọt nguy hiểm như thế nào? - 1

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 bệnh tật, được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Do đó, dù sử dụng ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe đồng thời cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *