Đối với phụ nữ, khi bước vào tuổi trung niên, cơ thể sẽ có những thay đổi rõ rệt và thường xuất hiện ở những nơi này.
”Đồng hồ lão hóa” của phụ nữ
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Ôn Châu và Viện Khoa học Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Cell. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 113 phụ nữ từ 20 đến 66 tuổi, không mắc bệnh nặng và đã sống lâu năm ở Cù Châu, Chiết Giang. Trước đó, các đối tượng đã được khuyến nghị thống nhất về chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi.
Qua khảo sát, người ta thấy rằng, phụ nữ càng lớn tuổi thì sự thay đổi trong hoạt động viêm, rối loạn điều hòa hormone, thoái hóa đa mô là rõ ràng nhất. Biểu hiện chính là mất mật độ xương, giảm chức năng phổi và tích tụ các dấu hiệu thoái hóa của gan.
Cụ thể, sự thay đổi lão hóa của phụ nữ ở hai thời điểm 30 và 50 tuổi “tựa như vách núi”. Ở tuổi 30, cơ thể dần xuất hiện tình trạng trao đổi chất giảm, lipid tích tụ và steroid giảm. Đến tuổi 50, nhiều cơ quan, tế bào và phân tử trong cơ thể có những thay đổi lớn.
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng, hai thời điểm này sẽ có sự thay đổi về tuổi tác lớn hơn, có liên quan đến sự phân chia thời điểm sinh sản và mãn kinh của phụ nữ – nhân tố khiến mức độ nội tiết hoàn toàn thay đổi, dễ dẫn đến sự lão hóa.
Tại sao phụ nữ già nhanh hơn nam giới nhưng lại sống lâu hơn?
Số liệu do “Thống kê Y tế Thế giới 2019” công bố cho thấy tuổi thọ của phụ nữ là 74,2 tuổi và của nam giới là 69,8 tuổi. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, nhưng phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới (76,1 so với 71,1). Năm 2019, khoảng cách này là 5,3 tuổi (76,3 so với 71,0).
Qua quan sát trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể nhận thấy phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Nhưng cơ thể phụ nữ dường như dễ gặp phải một số vấn đề lão hóa hơn. Lấy thời kỳ mãn kinh làm ví dụ, phụ nữ sẽ có nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng quá trình chuyển đổi của nam giới lại tương đối suôn sẻ. Dù vậy, phụ nữ vẫn sống lâu hơn.
1. Phụ nữ có lợi thế sinh học
Nhiễm sắc thể giới tính là XX đối với phụ nữ và XY đối với nam giới. Nhiễm sắc thể X có các enzym được định vị để loại bỏ các gốc tự do. Theo các nhà khoa học thì gốc tự do có thể là thủ phạm gây ra tới trên 60 bệnh, đáng kể nhất là: bệnh vữa xơ động mạch, ung thư, Alzheimer, Parkinson, đục thuỷ tinh thể, bệnh tiểu đường, cao huyết áp không nguyên nhân, xơ gan.
Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X có thể loại bỏ nhiều gốc tự do hơn và kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của họ.
2. Telomere của phụ nữ có tốc độ suy giảm chậm hơn
Độ dài telomere liên quan trực tiếp đến tuổi thọ của con người. Độ dài của telomere ở người được ước tính là giảm đi từ 24.8-27.7bp mỗi năm. Độ dài của telomere mà ngắn hơn so với chiều dài trung bình ở một nhóm tuổi nhất định cho thấy có liên quan tới việc tăng tần suất nguy cơ mắc các bệnh lão hóa hoặc là giảm tuổi thọ ở người.
Quá trình suy giảm này chịu ảnh hưởng từ tình trạng viêm, bệnh mãn tính của cơ thể, cũng như các thói quen thiếu lành mạnh như hút thuốc, tập thể dục và các yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, nhìn chung, telomere của phụ nữ ngắn lại chậm hơn nam giới.
3. Thói quen sinh hoạt của phụ nữ tương đối lành mạnh
Một bộ phận nam giới rất lớn có thói quen hút thuốc, uống rượu, làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn, có chế độ ăn uống không hợp lý, đồng thời chịu nhiều áp lực về tâm lý. Nếu duy trì lâu dài những thói quen xấu này cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Khi phụ nữ xuất hiện 3 biểu hiện này, cơ thể bắt đầu già đi
Khi lão hóa đến, mỗi người sẽ trải qua nhiều thay đổi khác nhau, nhưng ở phần dưới cơ thể, ba thay đổi này thường xuất hiện rõ ràng hơn.
1. Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Phụ nữ càng lớn tuổi sẽ thấy chu kỳ kinh nguyệt ngày càng không đều, có người sớm hơn, có người muộn hơn. Đây đều là biểu hiện sự lão hóa của buồng trứng và tử cung. Khi phát hiện chu kỳ kinh nguyệt có những thay đổi lớn, bạn không nên mù quáng uống thuốc mà nên đến bệnh viện để tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn, từ đó xác định xem có cần điều trị hay không.
2. Cơ hông rệu rã
Khi có tuổi, bạn sẽ thấy hông của mình bắt đầu già đi và phình to ra, đồng nghĩa với việc khả năng hoạt động của khớp hông đã suy giảm. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng rệu rã này bằng cách giảm ngồi lâu, giữ nguyên 1 tư thế trong thời gian dài. Khi tập luyện, nên tăng cường các bài tập cho hông, chẳng hạn như nâng chân và squat…
3. Đau nhức khớp gối và dễ mỏi
Tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở phụ nữ cao gấp 10 lần so với nam giới. Những năm gần đây, số người mắc bệnh có xu hướng trẻ hơn với triệu chứng ban đầu là đau mỏi đầu gối, yếu sức khi lên xuống cầu thang, leo núi… Nếu tiếp tục phát triển, tình trạng này có nguy cơ tiến triển thành các bệnh xương khớp, ảnh hưởng việc đi lại, di chuyển hàng ngày.
Do đó, phái nữ nên tập luyện cơ đùi thường xuyên. Khi sức mạnh của cơ đùi được tăng cường, áp lực lên đầu gối có thể được chia sẻ ở một mức độ nhất định. Từ đó, quá trình lão hóa của khớp gối có thể được trì hoãn hiệu quả hơn.
Theo Phương Thùy (Đời Sống & Pháp Luật)