Nhiều YouTuber, TikToker đổi đời nhờ khả năng “ăn thùng, uống vại”. Thế nhưng, hậu quả của việc ăn uống quá đà ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ lụy cho cộng đồng.
Giàu lên nhờ “ăn thùng, uống vại”
Từ năm 2010, trào lưu mukbang, một xu hướng ẩm thực trực tuyến bắt đầu phổ biến ở Hàn Quốc. Người tham gia sẽ ăn trực tiếp trước camera và tương tác với khán giả qua các nền tảng trực tuyến. Các YouTuber thu hút hàng triệu người xem, mang về doanh thu hàng tỷ won bằng những video ăn uống độc lạ, khối lượng thức ăn rất lớn.
YouTuber Heebab nổi tiếng trong giới mukbang từng tiết lộ thu nhập khủng của cô và êkíp. Doanh thu hàng năm của công ty cô vào khoảng 2 tỷ won (hơn 26 tỷ đồng).
Trước nguồn lợi hấp dẫn, trào lưu mukbang nhanh chóng phổ biến khắp các nước Nhật Bản, Trung Quốc…
Người Việt cũng sớm cập nhật và kiếm tiền bằng cách sáng tạo nội dung ẩm thực trực tuyến. Một trong những YouTuber nổi tiếng đầu tiên của trào lưu mukbang là Quỳnh Trần JP. Tuy nhiên, nữ YouTuber này chỉ ăn nhiều ở mức có thể tin và chấp nhận.
Gần đây, trào lưu “ăn thùng, uống vại” trên cộng đồng mạng Việt Nam lại thiên về khối lượng thức ăn hơn. Các YouTuber, TikToker thường dùng chiêu thử thách nhau ăn nhiều.
Trong số đó, người phụ nữ tên Nga Sumo khiến nhiều người kinh ngạc về khả năng ăn uống không có đối thủ. Nga Sumo được mọi người gọi bằng biệt danh “thánh ăn”.
Trên kênh YouTube chính thức, Nga Sumo giới thiệu mình cao 1,6m, nặng 45kg. Với cân nặng này, cô có thể ăn rất nhiều nhưng không tăng cân.
Nga Sumo chia sẻ nhiều video thể hiện “chiếc bụng không đáy” qua các thử thách “ăn thùng, uống vại”.
Nga Sumo có thể ăn hết một con lợn quay 6kg, 44 chén tiết canh, tô bún riêu hải sản gần 5kg, 100 hột vịt lộn… Mỗi món ăn đều được Nga Sumo ăn sạch trong khoảng thời gian giới hạn.
Ngoài Nga Sumo, làng mukbang Việt còn có nhiều cái tên khác như: Bé Mai, Mập Food… Đồng thời, kênh YouTube, TikTok xây dựng nội dung thử thách ăn uống cũng nở rộ.
Nắm bắt sở thích của người xem, chủ nhà hàng, quán ăn dùng cách đưa ra thử thách “ăn thùng, uống vại” để truyền thông, tăng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.
Bằng cách này, các YouTuber, TikToker, người chơi thử thách… kiếm được rất nhiều tiền và nhanh chóng đổi đời. Ngoài thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội, họ còn nhận được tiền thưởng, tiền công quảng cáo từ chủ nhà hàng, quán ăn…
Hại thân, hại người
Hiện nay, trào lưu mukbang dần hạ nhiệt và chịu nhiều chỉ trích của dư luận. Để thực hiện các video “ăn thùng, uống vại”, nhiều “thánh ăn” phải chịu hệ lụy về sức khỏe. Đồng thời, những video có nội dung ăn uống không chừng mực ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Ths.BS Nguyễn Phương Anh (giảng viên bộ môn Dinh dưỡng, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Quyền điều hành khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện An Bình) phân tích: “Ở góc độ y khoa, video “ăn thùng, uống vại” có ưu điểm nhất định. Đó là kích thích sự thèm ăn đối với người suy dinh dưỡng, chán ăn.
Cụ thể, các món ăn trong những video này có màu sắc đẹp, người ăn phát ra âm thanh thể hiện sự ngon miệng. Chất lượng hình ảnh và âm thanh của video ăn uống kích thích người xem thích ăn và muốn ăn”.
BS Phương Anh cho biết, nếu người xem là bệnh nhân ăn kém, biếng ăn thì rất tốt. Ngược lại, đối tượng xem các video này mà là trẻ em, người không gặp vấn đề về biếng ăn thì hậu quả rất đáng lo ngại.
“Trẻ em, thanh niên là những người thích xem các video ăn uống lệch chuẩn. Một cái sai lập đi lập lại nhiều lần lâu ngày rất dễ bị xem là cái đúng. Đối tượng chưa đủ nhận thức về sức khỏe như trẻ em xem nhiều thì lại hiểu đó là chuẩn mực.
Việc lệch chuẩn trong ăn uống tạo thành thói quen sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như: béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa…
Hiện tại, tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Nếu trào lưu “ăn thùng, uống vại” còn tiếp diễn thì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của giới trẻ”, BS Phương Anh nhấn mạnh.
Nữ chuyên gia về dinh dưỡng khẳng định, cân nặng không phải là trò chơi mà các bạn trẻ đem ra làm các video “ăn thùng, uống vại” rồi sau đó sợ tăng cân lại nhịn ăn ép cân trở lại. Việc biến động cân nặng trong thời gian ngắn đều có khả năng gây hậu quả khó lường về trước mắt lẫn lâu dài.
Nhiều YouTuber, TikToker không quan tâm sức khỏe, bất chấp câu view, kiếm tiền. Trong số đó, các bạn trẻ chiếm đa phần do chủ quan về tình trạng sức khỏe.
“Các YouTuber, TikToker cần có ý thức trong việc sáng tạo nội dung. Bạn không nên tạo những nội dung gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và chính mình.
Cha mẹ cần siết chặt nội dung trẻ thường xem trên các nền tảng xã hội. Trẻ em rất thích làm theo nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản”, BS Phương Anh khuyến cáo.
Theo Ngọc Lài (VietNamNet)